Bối cảnh La Galissonnière (lớp tàu tuần dương)

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Hải quân Pháp còn lại một số ít tàu tuần dương hạng nhẹ đã cũ, được chế tạo vào cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, và đã hao mòn qua chiến tranh.[3] Họ nhận được thêm chiếc tàu tuần dương nhỏ Novara của Áo-Hung và bốn tàu tuần dương hạng nhẹ của ĐứcKolberg, Stralsund, RegensburgKönigsberg như những chiến lợi phẩm bồi thường cho những thiệt hại trong chiến tranh. Chúng được đổi tên theo những thị trấn trong vùng Alsace-Lorraine, tương ứng thành Thionville, Colmar, Mulhouse, Strasbourg và Metz. Những chiếc này được trang bị chín khẩu pháo 100 mm cho Thionville, và từ sáu đến tám khẩu pháo 150 mm cho những chiếc kia, tải trọng 4.000 tấn cho Thionville và 5.000 đến 7.000 tấn cho những chiếc kia, và tốc độ đạt được 26-27 knot. Chúng được rút khỏi hoạt động thường trực của hạm đội vào cuối những năm 1920 hay đầu những năm 1930.[4]

Sau khi cân nhắc đến việc chế tạo tàu tuần dương hạng nhẹ tải trọng 5.200 tấn và trang bị pháo 5,5 inch (138,6 mm), có khả năng đạt vận tốc 36 knot vào năm 1920; ngân sách đã được thông qua trong tài khóa 1922 để đóng ba chiếc thuộc lớp tàu tuần dương Duguay-Trouin, còn được gọi là những "tàu tuần dương 8.000 tấn", được hạ thủy vào những năm 1923-1924. Chúng có bốn tháp pháo nòng đôi và lựa chọn cỡ nòng pháo 155 mm (6,1 inch), vốn được Lục quân Pháp sử dụng thường xuyên với ý định thuận tiện hơn trong việc cung cấp đạn dược. Với hầu như không có vỏ giáp bảo vệ, chúng đạt được tốc độ 34 knot.[5]

Sau những thiệt hại trong chiến tranh, họ vẫn còn lại các tàu tuần dương bọc thép được chế tạo trong suốt những năm 1900, có từ bốn đến sáu ống khói, vốn đã lạc hậu ngay từ khi đưa ra hoạt động. Với dàn vũ khí bao gồm hai tháp pháo nòng đôi 194 mm cùng một số tháp pháo nòng đơn và tháp pháo ụ với cỡ thông dụng nhất là 167,4 mm,[Ghi chú 1] tốc độ 23 kn (43 km/h), đai giáp dày từ 90 đến 170 mm, và một trọng lượng choán nước 12.000 đến 14.000 tấn, chúng bị vượt trội hơn về hỏa lực so với các tàu đương thời của Anh hay Đức.[6]

Vào đầu những năm 1910, có một xu hướng gia tăng tải trọng và vũ khí trên những chiếc tàu tuần dương bọc thép, vốn đã đưa đến lớp tàu tuần dương Minotaur của Anh cùng lớp Scharnhorst và chiếc SMS Blücher của Đức, có từ tám đến mười hai pháo 210 mm trên những "tàu tuần dương lớn" của Đức, hoặc bốn pháo 9,2 in (230 mm) và mười pháo 7,5 in (190 mm) trên những chiếc của Anh. Tuy nhiên, lần lượt Scharnhorst và Gneisenau đã bị đánh chìm trong Trận chiến quần đảo Falkland[7] vào tháng 12 năm 1914 khi đối đầu với các tàu chiến-tuần dương HMS InvincibleHMS Inflexible, Blücher khi đụng độ với những chiếc lớp Lion trong Trận Dogger Bank vào tháng 1 năm 1915,[8] còn HMS Defence bị mất bởi hỏa lực của SMS Lützow trong Trận Jutland vào ngày 31 tháng 5 năm 1916.[9]

Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 đã đưa đến việc loại bỏ tàu tuần dương bọc thép khi bao gồm điều khoản giới hạn tải trọng tàu tuần dương ở mức 10.000 tấn và cỡ pháo của chúng không vượt quá 203 mm. Những giới hạn này được chọn lựa nhằm cho phép tiếp tục chế tạo tàu chiến mà thiết kế phù hợp với nhu cầu và nghiên cứu của hải quân các nước Mỹ và Nhật, cũng như cho phép Hải quân Hoàng gia Anh không phải tháo dỡ lớp tàu tuần dương Hawkins,[10][11] có tải trọng 9.550-9.860 tấn, bảy khẩu pháo 7,5 inch (190,5 mm), được hoàn tất từ năm 1919 đến năm 1925.[12]

Kinh nghiệm trong chiến tranh đã chứng tỏ tầm quan trọng trong việc bảo vệ an toàn các tuyến đường thương mại hàng hải chống lại sự cướp phá. Cho đến năm 1930, tất cả các bên tham gia Hiệp ước Hải quân Washington hầu như chỉ chế tạo các tàu tuần dương hạng nặng: Anh và Mỹ mỗi nước 15 chiếc, Nhật Bản 12 chiếc, và 7 chiếc mỗi nước cho Pháp và Ý. Các "tàu tuần dương hiệp ước" của Anh,[13] Pháp[14] và Ý mang tám khẩu pháo 203 mm trên bốn tháp pháo nòng đôi, nhưng lên đến chín hoặc mười khẩu pháo đối với những chiếc của Mỹ[15] hay Nhật Bản.[16] Chúng có tốc độ từ 30 đến 35 knot và một lớp vỏ giáp rất mỏng trên những chiếc được chế tạo đầu tiên, rồi chuyển sang một sự bảo vệ tốt hơn với tốc độ giảm đi đôi chút đối với các lớp tiếp theo. Trên chiếc tàu tuần dương hạng nặng đầu tiên được Hải quân Pháp chế tạo theo tiêu chuẩn "hiệp ước", chiếc Duquesne, trọng lượng của vỏ giáp là 430 tấn, và tốc độ tối đa mà nó đạt được khi chạy thử máy là 35,3 knot với công suất 126.919 mã lực. Đến chiếc tàu tuần dương cuối cùng, chiếc Algérie, trọng lượng của vỏ giáp là 2.657 tấn, tốc độ tối đa 33,2 knot và công suất 93.230 mã lực.[17]

Bị chi phối bởi những điều khoản hạn chế tái vũ trang theo Hiệp ước Versaille, nhưng Đức lại không bị ràng buộc bởi những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington, và từ năm 1926 đến năm 1928, Hải quân Đức đã đặt lườn ba tàu tuần dương lớp Karlsruhe với trọng lượng choán nước 6.650 tấn, trang bị ba tháp pháo 150 mm (5,9 in) ba nòng với tốc độ 30-32 knot,[18] rồi đến năm 1929 là một kiểu cải tiến, chiếc Leipzig, với một động cơ diesel mạnh hơn và đai giáp được mở rộng với một trọng lượng choán nước hầu như tương đương (6.710 tấn).[19]

Hải quân Anh xem những tàu tuần dương theo giới hạn "hiệp ước" là quá lớn so với nhu cầu của họ, nên vào năm 1927 đã bắt đầu chế tạo một kiểu tàu tuần dương mang pháo 8 inch hơi nhỏ hơn, lớp tàu tuần dương York, chỉ với sáu khẩu pháo 8 inch.[20] Khi Hội nghị Hải quân London năm 1930 vừa khai mạc, Anh Quốc thông báo việc hủy bỏ kế hoạch lớp tàu tuần dương mang pháo 8 inch tiếp theo, trong khi chiếc đầu tiên của lớp tiếp theo được đóng có tải trọng 6.500 tấn và mang tám khẩu pháo 6 inch, đủ khả năng để đối đầu với Leipzig; đó chính là lớp Leander.[21]

Hiệp ước Hải quân London đã đưa ra sự phân biệt giữa tàu tuần dương Kiểu A (thường được gọi là "tàu tuần dương hạng nặng"), với pháo có cỡ nòng trên 6,1 in (150 mm) (như dàn pháo chính của lớp tàu tuần dương Duguay Trouin) và cho đến 8 in (200 mm), và tàu tuần dương Kiểu B (thường được gọi là "tàu tuần dương hạng nhẹ") với pháo cỡ 6,1 inch hay nhỏ hơn. Nó đặt ra giới hạn số lượng tàu tuần dương Kiểu A cho mỗi nước tham gia hiệp ước bằng với số tàu đang hiện hữu, và chỉ cho phép thay thê chúng sau hai mươi năm kể từ lúc hoàn thành.[11]

Vào năm 1926, Pháp bắt đầu đóng các lớp tàu khu trục mới Chacal, GuépardAigle, vốn vượt trội về tải trọng và hỏa lực so với các tàu khu trục đương thời. Để đối phó với mối đe dọa này, Ý quyết định đóng một lớp tàu tuần dương mới có kích cỡ trung gian giữa các lớp tàu khu trục mới của Pháp và tàu tuần dương vào thời đó. Bốn chiếc thuộc lớp Giussano (lớp phụ đầu tiên của lớp Condottieri) được đặt lườn vào năm 1928 và hoàn tất vào các năm 1931-1932, tuân thủ theo những giới hạn mới của Hiệp ước Hải quân London vừa được ký kết. Với trọng lượng choán nước khoảng 5.200 tấn, chúng được trang bị tám khẩu pháo 152 mm trên bốn tháp pháo nòng đôi, và có thể duy trì một tốc độ khá ấn tượng 37 knot, nhưng với một vỏ giáp không đáng kể và tầm hoạt động ngắn.[22]

Một tàu tuần dương Pháp mới được đặt hàng vào năm 1926 và hạ thủy vào năm 1930, được thiết kế đặc biệt như một tàu huấn luyện cho học viên sĩ quan. Jeanne d'Arc cũng có cùng kiểu pháo 6,1 inch trên những tháp pháo nòng đôi như trên những chiếc lớp Duguay Trouin.[23] Nhưng sau khi Hiệp ước Hải quân London có hiệu lực, một tàu tuần dương mới, Émile Bertin, được thiết kế để hoạt động như cả một tàu rải mìn lẫn soái hạm của chi hạm đội khu trục. Nó được trang bị một dàn pháo chính hoàn toàn mới cả về cỡ nòng pháo lẫn sự sắp xếp, chín khẩu 6 in (150 mm) trên ba tháp pháo ba nòng, là lần đầu tiên đối với Hải quân Pháp; và ba khẩu đội 90 mm nòng đôi cho dàn hỏa lực phòng không. Đạt đến 39,66 knot khi chạy thử máy với hệ thống động lực có công suất 137.908 mã lực, nó là chiếc tàu tuần dương Pháp nhanh nhất từng được chế tạo.[24]

Tháp pháo ba nòng là một điều bất thường đối với Hải quân Pháp, vốn ưa chuộng tháp pháo nòng đôi trên các thiết giáp hạm và các tàu tuần dương ban đầu, hoặc kiểu tháp pháo bốn nòng. Vào năm 1910, Trưởng ban Chế tạo Hải quân Pháp đã thiết kế lớp thiết giáp hạm Normandie với ba tháp pháo bốn nòng,[25] và tháp pháo bốn nòng cũng được sử dụng rộng rãi cho dàn pháo chính lẫn pháo hạng hai đa dụng của lớp thiết giáp hạm nhanh Dunkerque.[26] Tháp pháo ba nòng vốn thông dụng trên các thiết giáp hạm của Ý một cách liên tục kể từ chiếc dreadnought đầu tiên được Ý chế tạo Dante Alighieri,[27] cũng như đối với Nga,[28] Đế quốc Áo-Hung,[29] Hải quân Hoa Kỳ (kể từ lớp Nevada cho đến lớp Tennessee,[30] và ngay cả với Hải quân Hoàng gia Anh với lớp Nelson.[31] Đối với tàu tuần dương, tháp pháo ba nòng được sử dụng trên mọi lớp tàu tuần dương hạng nặng sau Hiệp ước Washington; trên các tàu tuần dương hạng nhẹ của Hải quân Đức và trên lớp "thiết giáp hạm bỏ túi" Deutschland.[32]

Đây chính là căn bản của vũ khí trang bị cho Émile Bertin và sự bảo vệ cùng hệ thống động lực của chiếc Algérie vốn đã đưa đến thiết kế chiếc dẫn đầu cho lớp La Galissonnière, được hạ thủy vào tháng 11 năm 1933.[33]

Hải quân Đế quốc Nhật Bản, cùng với đối thủ chính của họ tại Thái Bình Dương là Hải quân Hoa Kỳ, đều cùng quan tâm đến tàu tuần dương lớn, bất kể chúng được xếp loại là "hạng nặng" hay "hạng nhẹ". Nên trong Chương trình Chế tạo 1931, Nhật Bản đặt hàng chiếc đầu tiên của một lớp tàu tuần dương hạng nhẹ mới, lớp Mogami.[34] Với mười lăm khẩu pháo 150 mm trên năm tháp pháo ba nòng và một tốc độ 37 knot, nó được công bố với một trọng lượng choán nước giả mạo chỉ có 8.500 tấn. Hải quân Mỹ đối phó lại bằng lớp Brooklyn[35] với mười lăm khẩu pháo 152 mm, tốc độ 32,5 knot, nhưng với một trọng lượng choán nước chính xác hơn là 9.700 tấn. Những chiếc đầu tiên của lớp này được hạ thủy vào những năm 1937-1938. Hải quân Hoàng gia Anh cũng đặt lườn một lớp bốn tàu tuần dương hạng nhẹ thuộc lớp Arethusa,[36] nhỏ hơn so với lớp Leander khi chỉ có sáu khẩu pháo 6 inch (152 mm). Chúng được hạ thủy vào giữa những năm 1934-1936. Phản ứng lại việc chế tạo các tàu tuần dương lớn của Nhật và Mỹ, Anh Quốc đã hủy bỏ việc đóng một số chiếc thuộc các lớp Leander và Arethusa. Hai chiếc tàu tuần dương lớn đầu tiên của Anh, sau những bản vẽ sơ thảo được đặt tên là lớp Minotaur, cuối cùng trở thành lớp Town[37] và được hạ thủy vào năm 1936. Chúng được trang bị mười hai khẩu pháo 6 inch (152 mm) trên bốn tháp pháo ba nòng cùng các thiết bị phóng máy bay giữa tàu, có tốc độ 32 knot và suýt soát với ngưỡng giới hạn 10.000 tấn trọng lượng choán nước.

Ba chiếc De Grasse, Guichen và Chateaurenault được chấp thuận chế tạo không lâu trước chiến tranh như là lớp La Galissonniere được cải tiến với trọng lượng choán nước 8.000 tấn, cùng loại vũ khí và cách sắp xếp ba tháp pháo 152 mm ba nòng gồm hai phía trước và một phía sau, và ba tháp pháo nòng đôi phòng không 90 mm gồm một trên trục giữa và hai bên mạn. Thiết bị máy bay gồm hai máy phóng, cần cẩu và hầm chứa có thể mang theo 3-4 thủy phi cơ, được bố trí giữa tàu phía sau một ống khói lớn duy nhất. Chúng dự định có một hệ thống động lực mạnh mẽ hơn, công suất 110.000 mã lực, để đạt đến tốc độ 35 knot. Kiểu dáng với một tháp cấu trúc thượng tầng lớn phía trước chịu ảnh hưởng từ thiết kế của tàu tuần dương Algérie. Tuy nhiên, chỉ có chiếc dẫn đầu được đặt lườn tại Xưởng hải quân Lorient, và công việc bị ngừng lại cho chiến tranh. Con tàu được hạ thủy vào năm 1946 và chỉ hoàn tất vào năm 1956 theo một thiết kế tàu tuần dương phòng không De Grasse (C 610).[38]